daotaosupham.com

Giải pháp giảm áp lực cho giáo viên mầm non

Hơn 20 năm trong nghề, cô Chu Thị Kim – Giáo viên Trường Mầm non 19/5 (Hưng Yên) – thấm thía mọi vất vả cũng như hạnh phúc khi làm nghề.

Đó là thời gian làm việc miệt mài từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày; buổi trưa nếu mệt quá, chợp mắt cũng chập chờn vì lo học sinh co chăn bị lạnh, nằm sấp, ho sốt… Chưa kể hôm thì phụ huynh học sinh gửi thuốc, gửi sữa bột, cô phải nhớ pha thuốc, sữa cho con uống đúng giờ…

“Tôi từng dạy một cháu thông minh nhưng rất nghịch. Có tuần, vì con đánh bạn nhiều, quá nghịch và không nghe lời cô nên cuối tuần không được phiếu bé ngoan.

Cô giải thích và con đã hiểu để cố gắng. Nhưng sau đó, ông của cháu gặp cô và phản ứng, thậm chí nói nếu cô không sửa sẽ báo Ban giám hiệu… Một chuyện nhỏ như vậy, nhưng cũng có thể khiến giáo viên áp lực và mệt mỏi” – Cô Kim tâm sự.

Chia sẻ công việc vất vả, nhưng cô giáo mầm non ở Hưng Yên cho biết không cảm thấy áp lực, bởi mình thực sự yêu nghề, muốn gắn bó với nghề.

“Tôi có lợi thế vì con đã lớn; chồng mất sớm, một mình nuôi con nên được anh chị em giúp đỡ nhiều, do đó có nhiều thời gian cho công việc. Nhà neo người, bởi vậy mỗi khi đến trường, gặp các con, tôi thấy vui, có làm nhiều cũng không thấy vất vả.

Cũng vì yêu nghề, chịu khó học hỏi nên việc soạn giảng với tôi rất đơn giản. Hoạt động dạy học trên lớp có thể làm tốt vì bản thân có chút năng khiếu về mầm non, có thể hát, múa, kể chuyện, đọc thơ…

Bởi vậy, để giảm áp lực, trước khi chờ đợi các chính sách từ trên, hãy bắt đầu từ bản thân mỗi giáo viên mầm non. Đó là khi chọn nghề, ngoài đúng năng lực, sở trường, không thể thiếu tình yêu và muốn gắn bó với công việc” – Cô Chu Thị Kim bày tỏ.

Từ góc độ người quản lý, giải pháp được cô Trần Ngọc Phương Thảo chia sẻ, trước hết các địa phương cần thực hiện hiệu quả Thông tư 06; nếu không có thể hợp đồng giáo viên mầm non, có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non; tăng cường công tác quản lý của Ban giám hiệu nhà trường với các lớp; có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ khâu đào tạo, tuyển dụng giáo viên mầm non.

Một giải pháp quan trọng là cơ quan quản lý cần giao chỉ tiêu cho các trường phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và biên chế giáo viên; đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

“Nhiều khi trên giao chỉ tiêu đúng, nhưng nhà trường lại tuyển vượt chỉ tiêu cũng tạo thêm gánh nặng cho giáo viên” – Cô Trần Ngọc Phương Thảo cho biết.

Hiếu Nguyễn

 

Bài viết liên quan